Skip to main content
News

CEO Volvo: ‘Đích đến của chúng tôi là phát triển bền vững’

By 21/02/2024No Comments

Hãng xe Thụy Điển hướng tới việc phát triển phương tiện bền vững ngay từ vật liệu và quá trình sản xuất, để mỗi chiếc xe luôn “xanh” ở mọi quá trình.

Volvo được biết đến là hãng xe an toàn nhất thế giới, với những công nghệ hãng phát minh hoặc áp dụng triệt để nhất như dây an toàn ba điểm, khung gầm sử dụng thép siêu cứng boron hay động cơ kết hợp cả siêu nạp và tăng áp. Việc kết hợp cả siêu nạp và tăng áp khiến khoang động cơ dưới nắp ca-pô thêm phức tạp, đòi hỏi chế tạo vật liệu chịu đựng điều kiện hoạt động khắc nghiệt hơn và hệ thống bảo dưỡng chính xác hơn.

Hãng xe Thụy Điển có thể chọn cách khác để giúp chiếc xe của mình mạnh mẽ hơn, nhưng sự cầu toàn khiến Volvo luôn nhất quán với công nghệ này cho động cơ đốt trong (ICE).

Thiết kế động cơ Volvo XC90 phiên bản plug-in hybrid, kết hợp turbocharged và supercharged.

Nhưng thành tựu công nghệ, trí tuệ, máy móc và tài sản liên quan đến ICE sẽ tiếp tục được kế thừa làm nền tảng cho xu hướng điện hóa, và cũng là điều kiện bắt buộc mà các chính phủ khắp thế giới áp đặt. Trước mục tiêu sẽ bán các sản phẩm chạy điện hoàn toàn vào 2030, Volvo đã vẽ một hướng đi mới để không lãng phí những gì đã làm, nhưng đồng thời cũng không bị chậm trễ trong hành trình mới.

CEO Jim Rowan trong lần trả lời phỏng vấn tạp chí công nghệ The Verge vào cuối 2023 cho biết, hãng đã đem hết toàn bộ tài sản liên quan động cơ đốt trong của mình chuyển sang công ty mang tên Aurobay, và công ty này sẽ hoạt động dựa trên hình thức vốn tự cấp (self-funded). Volvo sẽ vẫn có quyền tiếp cận công nghệ tại Aurobay, bởi hãng cần sử dụng động cơ đốt trong vào các sản phẩm hybrid một thời gian nữa, dù không đầu tư vốn để tập trung nguồn lực cho chiến lược thuần điện vào 2030.

Trong chiến lược điện hóa đó của Volvo có sự xuất hiện của Polestar, thương hiệu xe điện mà Volvo Cars Group nắm giữ 48% cổ phần. Định vị của hai thương hiệu cũng không bị chồng chéo. Nếu Volvo là “an toàn, bền vững, tập trung vào con người” thì Polestar là “thuần khiết, cấp tiến và hiệu suất”. Có thể nói Polestar dành cho cá nhân, còn Volvo không chỉ dành cho chủ xe mà còn cho những người mà họ quan tâm.

Cùng Volvo, tại Polestar còn có Geely nắm cổ phần. Theo CEO Jim Rowan, tập đoàn Trung Quốc này cũng mang tới nhiều thông tin hỗn loạn về cách hiểu thương hiệu ôtô Volvo hiện nay.

CEO Volvo tại một sự kiện ra mắt xe.

Theo đó, cùng Volvo, có hai thực thể là Volvo AB với các lĩnh vực sản xuất xe tải, thiết bị xây dựng, Penta (sản xuất động cơ hàng hải và công nghiệp)… và Volvo Cars sản xuất xe con. Volvo AB và Volvo Cars đều là hai hãng niêm yết với các mã khác nhau. Volvo Cars niêm yết trên sàn Nasdaq Thụy Điển, và Geely là một cổ đông lớn. Có nghĩa là, Volvo Cars là một công ty đại chúng, có cổ đông là một công ty Trung Quốc.

“Đó đơn thuần là mối quan hệ cộng sinh, khi chúng tôi chia sẻ nền tảng và một số công nghệ, họ chế tạo ôtô của họ, chúng tôi làm của chúng tôi. Về cơ bản, Geely tập trung cho thị trường Trung Quốc, còn chúng tôi là nhà sản xuất ôtô toàn cầu”, vị CEO nhấn mạnh. Mối quan hệ của Volvo, Geely và Polestar là cộng sinh, không phải chi phối, tương tự như cách nhiều hãng xe lớn hiện nay đang áp dụng để tận dụng công nghệ, thời gian và nền tảng.

Với riêng mình, để phát triển xe điện, trước đây Volvo thường mua môtơ, bộ biến tần và rồi dần phát triển công nghệ tự thân để tự chủ hệ truyền động và điều khiển của xe điện. Hiện nay, hãng hợp tác với Northvolt về pin, để xây dựng một nhà máy pin riêng. Nhờ đó, hãng có những hiểu biết sâu hơn về pin và những sắc thái xung quanh việc sản xuất và phát triển pin, từ đó viết phần mềm quản lý pin. Bằng việc gom góp dần dần, Volvo đã có trọn gói những thứ cốt lõi cho xe điện, gồm pin, môtơ, bộ biến tần và phần mềm quản lý pin. CEO của hãng cho rằng đây là những thứ cần có nếu hãng muốn chiến thành trên con đường xe điện, hoặc ít nhất trở thành một tay chơi “máu mặt”.

Mẫu xe điện đầu tiên của hãng là chiếc XC40 Recharge từ năm 2019, nhưng với EX90 vừa ra mắt cuối 2023 mới thực sự là bước nhảy vọt của hãng. Mẫu SUV cỡ trung chạy điện được xây dựng trên kiến trúc điện toán cốt lõi. Với những cải tiến của công nghệ, chiếc xe giờ đây sẽ không dừng lại ở việc ra khỏi nhà máy và “có sao dùng vậy”, mà sẽ được cải tiến liên tục bằng việc nâng cấp, cập nhật qua mạng, đó là cách tạo ra sự liền mạch cho khách hàng. Một chiếc xe điện thời nay sẽ không đơn thuần là ôtô nữa, mà còn là máy tính di chuyển, khi tất cả mọi thứ được điều khiển bằng hàng trăm chip, với tính chính xác cao và phối hợp nhịp nhàng.

EX90 còn là sự khởi đầu của một hệ sinh thái lớn hơn sau này, khi ôtô có thể kết nối với ngôi nhà và những thiết bị khác của người dùng.

EX90 – xe điện 7 chỗ mới của Volvo.

Đó cũng là lý do mà Jim Rowan trở thành CEO của Volvo Cars, một người đã có nhiều năm kinh nghiệm tại Black Berry và Dyson, những hãng thuần công nghệ. Sự lạ lùng mà Rowan phát hiện ra khi chuyển sang lĩnh vực ôtô là, với số tiền bỏ ra rất lớn (chỉ sau tiền mua nhà), người dùng trực tiếp và hãng xe lại không hề có những cuộc trò chuyện trước, trong và sau khi mua bán. Việc này được thực hiện thông qua hệ thống đại lý. Trong khi đó với một chiếc điện thoại nhỏ bé, người dùng cũng có thể tương tác trực tiếp với hãng sản xuất thông qua nhiều kênh.

Volvo sẽ dần thay đổi việc này, hãng sẽ nói chuyện với khách nhiều hơn thông qua ứng dụng điện thoại, là đối thoại ba bên khách, đại lý, hãng chứ không còn hai bên như trước. Hãng kỳ vọng với cách này, những phản hồi của khách hàng sẽ trở nên trực tiếp, liền mạch. Điều đó nếu làm được, sẽ là một thay đổi lớn trong ngành công nghiệp ôtô.

Bên cạnh việc kết nối trực tiếp với khách hàng, hai lĩnh vực khác trong kỷ nguyên sắp tới mà Volvo theo đuổi là sự chuyển dịch toàn bộ sang công nghệ và tính bền vững. Không chỉ chiếc xe bền vững, mà các vật liệu cũng được sử dụng loại thân thiện môi trường như nhôm, nhựa tái chế…

Hiếm có hãng xe nào trên thế giới đưa ra những mục tiêu gắt gao cho các tác động tới môi trường như Volvo. Hồi đầu 2024, hãng đã đưa ra mục tiêu tới 2030 sẽ 75% giảm lượng CO2 thải ra mỗi xe so với 2018, giảm 40% năng lượng và 50% nước sử dụng trong hoạt động của hãng tính trên mỗi xe so với 2018, đạt 30% hàm lượng tái chế trung bình trong toàn bộ dải sản phẩm, trong đó các sản phẩm mới ít nhất đạt 35% tái chế và ít nhất 99% rác thải hoạt động của hãng được tái sử dụng hoặc tái chế.

Volvo hiểu rằng một môi trường trung hòa khí thải bền vững không đến từ riêng hoạt động vận hành của chiếc xe, mà đến từ tất cả quá trình liên quan tới sản phẩm đó. Điện hóa là một phần trong mục tiêu tối cao đó, để đạt được điều mà hãng luôn hướng tới từ đầu, đó là “vì cuộc sống, đem tới các hành trình di chuyển cá nhân tự do, bền vững và an toàn”.

 

Nguồn Vnexpress