Skip to main content
News

Plug-in hybrid – câu trả lời cho cuộc chiến xe xăng-điện

By 28/02/2024No Comments

Thay vì mua một chiếc xe điện nhưng chỉ dám quanh quẩn trong phố, và mua thêm một xe xăng để đi đường dài, người dùng chỉ cần một chiếc xe plug-in hybrid.

Nhu cầu sử dụng dầu mỏ của con người khiến tài nguyên này dần cạn kiệt và được khao khát những năm qua, dù mức độ ảnh hưởng tới môi trường là rất lớn. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), vận tải chiếm khoảng 60% nhu cầu dầu mỏ trên thế giới. Vì vậy, sự chuyển hóa từ xe động cơ đốt trong sang điện hóa, gồm hybrid và thuần điện được coi là giải pháp quyết định nhằm giảm sự lệ thuộc vào tài nguyên hóa thạch đang dần cạn kiệt.

Xe điện – thứ không phát thải CO2 khi vận hành – là lý tưởng, nhưng triển khai thực tế lại không dễ. Thời gian sạc pin rất dài nếu so với tiếp nhiêu liệu, nguồn kinh phí lớn để xây dựng hệ thống trạm sạc hay chất lượng hệ thống điện là những chướng ngại vật khiến xe điện chưa thể thay thế xe xăng, dầu, dù các chính phủ đều đã mường tượng và đưa ra thời hạn cho động cơ đốt trong.

Một mẫu xe thuần điện của Volvo tại trạm sạc.

Một yếu tố quan trọng không kém cho sự e ngại về xe điện là thói quen của người dùng. Thay vì chỉ mất vài phút tại trạm nhiên liệu, tài xế sẽ phải sạc xe qua đêm tại nhà, hoặc nếu ở chung cư, cần tìm tới những trạm sạc công cộng, tính toán thời gian để chờ đợi vì nếu sạc nhanh cũng cần khoảng 15 phút. Ngoài ra, với những chặng đường dài, người lái phải tính toán lộ trình phù hợp, tìm điểm sạc tại nơi đến nếu có, để sẵn sàng cho ngày hôm sau.

Xăng hay điện phù hợp hơn trở thành cuộc chiến trong quyết định tiêu dùng của khách hàng, và ảnh hưởng tới định hướng sản phẩm của các hãng xe. Hybrid là giải pháp cầu nối mà ngành ôtô tạo ra để giảm phát thải một phần, dễ triển khai và không khiến người dùng phải thay đổi thói quen, tức khả năng chấp nhận cao hơn. Tuy không “zero CO2” như xe điện khi vận hành, hybrid, đặc biệt plug-in hybrid lại không khiến người dùng phải lo lắng về việc tìm trạm sạc, thời gian sạc, bởi vẫn còn sự hỗ trợ của động cơ đốt trong.

Sự kết hợp của động cơ đốt trong và môtơ điện để tạo nên hình thái lai (hybrid) có nhiều dạng thức, phụ thuộc vào mục đích và quan điểm của nhà sản xuất. Với hybrid cơ bản, môtơ điện sẽ chỉ đóng vai trò bổ trợ cho động cơ xăng, không có chế độ chạy điện độc lập, hoặc có nhưng chỉ ở một pha nhỏ trong cả quá trình vận hành.

Với hình thái cao nhất là plug-in hybrid (hybrid cắm sạc), câu chuyện rất khác. Xe có chế độ chạy điện độc lập, có thể sạc rời như xe điện và tất nhiên, vẫn có một động cơ xăng để dùng khi hết pin.

Volvo XC60 Recharge sử dụng công nghệ plug-in hybrid.

Với plug-in hybrid, người dùng sẽ có hai chiếc ôtô – một điện, một xăng – chỉ trong một thân xác. Nhiều người dùng xe plug-in hybrid cho biết, nếu cả tháng không đi ra khỏi thành phố, động cơ xăng không cần kích hoạt, bởi lẽ môtơ điện là đủ. Ví dụ chiếc Volvo XC90 T8 Recharge có tầm hoạt động điện là 77 km nhờ khối pin 18,8 kWh (18,8 số điện), trong khi với XC60 T8 Recharge cũng với bộ pin này có quãng đường lớn hơn một chút, đạt 81 km. Tức với một cư dân đô thị di chuyển mỗi ngày khoảng 50 km, sẽ không cần dùng tới động cơ xăng.

Một khách hàng sử dụng XC90 Recharge tại Việt Nam cho biết, từ rất lâu không quan tâm tới vạch xăng, bởi chỉ khi nào đi công tác tỉnh, anh mới cần kiểm tra lượng nhiên liệu còn lại trong bình. Còn mỗi ngày ở thành phố, anh chỉ cần đi làm, tối về nhà, cắm sạc như điện thoại, và sáng hôm sau bắt đầu vòng lặp như sáng hôm trước. Nếu nhỡ có khi quên không sạc thì cũng không cần phải lo lắng, vì xe còn đó một bình xăng đầy.

Ngay cả với những người dùng ở chung cư, không có ổ cắm sạc cũng không cần phải quan tâm tới việc khi nào xe hết điện, bởi có thể nối dây và cắm sạc ở bất cứ đâu. Quan trọng hơn, với công nghệ phục hồi năng lượng của Volvo mang tên KERS (Kinetic Energy Recovery System), năng lượng sẽ được thu hồi khi phanh để nạp lại pin. Nhờ đó, xe sẽ tiết kiệm điện đáng kể, đặc biệt khi đi đô thị cần phanh nhiều.

Volvo là hãng xe duy nhất tại Việt Nam có dải sản phẩm toàn bộ điện hóa, trong đó XC60 và XC90 đều đã có bản T8 Recharge (plug-in hybrid), S90 sẽ có phiên bản này vào 2024 và hãng cũng sẽ bán ra một mẫu xe điện cỡ nhỏ trong năm nay. Việc hãng xe Thụy Điển có cả sản phẩm hybrid và thuần điện giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và thích ứng với mọi điều kiện hạ tầng. Đặc biệt, plug-in hybrid là một bước chuyển tiếp rất phù hợp từ xe xăng lên xe điện với thực tế tại Việt Nam.

Không chỉ có lợi thế về khả năng sử dụng tối đa năng lượng điện thân thiện môi trường, không phát thải, plug-in hybrid còn giúp những chiếc Volvo vận hành mạnh mẽ hơn, chính xác hơn và càng tăng tính an toàn vốn là giá trị cốt lõi của thương hiệu.

XC90 T8 Recharge – SUV vừa đổ xăng, vừa sạc điện.

Đầu tiên, môtơ điện đặt ở trục sau cho sức mạnh 145 mã lực, kết hợp máy xăng 2.0 supercharge và turbocharge ở phía trước cho tổng công suất 462 mã lực. Sức mạnh ngang ngửa các mẫu xe thể thao hiệu suất cao giúp XC90 hay XC60 luôn sẵn sàng những cú bứt tốc mạnh mẽ. Môtơ điện giúp động cơ tăng tốc tức thì dù đang ở tốc độ 120 km/h. Sự lanh lẹ là một điều kiện cần để chiếc xe an toàn, bởi nếu không có khả năng thoát đi tức thì khỏi một nguy cơ tai nạn, thì mọi công nghệ khác lúc này không còn ý nghĩa. Hãng xác định rằng một chiếc xe mạnh chưa hẳn đã an toàn, nhưng xe muốn an toàn cần phải mạnh.

Tiếp theo, cấu trúc hybrid của Volvo đặt khối pin chính giữa xe theo chiều dọc, giúp trọng lượng được phân bổ đều đặn giữa hai trục, kết hợp dẫn động AWD, xe tăng tốc, vào cua và phanh gấp đều đạt độ ổn định rất cao, tài xế sẽ không có cảm giác bị hất sang một bên khi cua, bị đẩy từ phía sau hay bị kéo đi từ phía trước mỗi lần tăng tốc, mà cả người và xe liền một khối, quán tính thay đổi cùng nhau, trạng thái người trên xe luôn thư thái, dễ chịu.

Volvo gọi những chiếc xe plug-in hybrid (Recharge) của mình là xe điện bán thời gian (part-time EV). Recharge có sự ưu việt của xe điện thuần và có sự “tự do” của xe xăng khi không phụ thuộc vào hệ thống trạm sạc hay thời gian sạc. Tức là loại xe này kết hợp được hết ưu điểm của hai dòng động cơ, thuần đốt trong (ICE) và thuần môtơ điện (EV). Người dùng được tiếp cận xu hướng mới, mà không phải lo về việc xóa bỏ thói quen cũ.

Và nếu ai đó quan tâm hơn tới vấn đề môi trường vĩ mô, xe không chỉ phát thải CO2 khi vận hành, mà cả trong quá trình sản xuất. “Nợ carbon” là khái niệm mà các nhà nghiên cứu môi trường sử dụng để nói về lượng CO2 phát thải trong quá trình sản xuất pin. Và theo tính toán của các chuyên gia tại Mỹ, một chiếc xe điện phải chạy xong 56.000-88.000 km mới trả hết nợ carbon, tức lúc này mới bắt đầu hiệu quả hơn xe xăng về phát thải carbon. Trong khi đó với xe plug-in hybrid, quãng đường đạt điểm cân bằng như trên là khoảng 16.000-24.000 km, tương đương khoảng một năm. Có nghĩ là, về khả năng giảm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, plug-in hybrid cho hiệu quả sớm hơn so với xe điện. Lý do cho việc này rất cơ bản, vì pin xe plug-in hybrid nhỏ hơn pin xe điện.

Như vậy, về cả thói quen sử dụng, mức độ tiện lợi cho tài xế cũng như góc độ môi trường vĩ mô, plug-in hybrid đang cho thấy khả năng đáp ứng tốt kỳ vọng của người dùng và các nhà quản lý. Cho tới khi ngành công nghiệp ôtô và pin phát triển được công nghệ pin nhỏ nhưng lưu trữ lớn, quá trình sản xuất ít phát thải hơn và thời gian sạc nhanh hơn để xe điện trở thành một phương tiện lý tưởng của thời đại, thì plug-in hybrid là một lựa chọn quá độ cho những người thích xanh sạch, nhưng không thích chờ đợi.

Nguồn Vnexpress